ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VỚI BIỂN, ĐẢO TỔ QUỐC

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề biển, đảo của Tổ quốc. Ông rất hiểu tầm chiến lược của biển, đảo với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước không chỉ về mặt quân sự-quốc phòng, mà cả về kinh tế biển, khoa học biển của một quốc gia ven biển.
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị với Bộ Chính trị: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo mà quân ngụy đang chiếm giữ". Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 25-3-1975. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về hiện trạng biển đảo để có ngay kế hoạch giải phóng. Nếu không khẩn trương giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ, nước ngoài sẽ chiếm mất, rất phức tạp và khó khăn về sau.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ta lúc đó là lực lượng Hải quân còn nhỏ bé, nên Đại tướng chỉ đạo, khi đánh chiếm các đảo và quần đảo, cần phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ. Ngày 2-4-1975, Đại tướng trực tiếp chỉ đạo đồng chí Lê Trọng Tấn: Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân, phải tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Đại tướng cũng lưu ý, hải quân ngụy được trang bị các loại tàu lớn, vùng biển lại có tàu của Hạm đội 7 Mỹ và hải quân một số nước khác đang hoạt động, nên nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo bạo, đồng thời phải mưu trí, sáng tạo, bất ngờ và quan trọng là phải đánh đúng lúc.
Đại tướng chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu: Điều ngay Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng, vừa tiến công căn cứ hải quân của địch, vừa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trên mặt biển để giải phóng các đảo và quần đảo trên Biển Đông. Trong mệnh lệnh số 990B/TK gửi đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân, Chính ủy và Tư lệnh Quân khu V lúc 17 giờ 30 phút, ngày 4-4-1975, Đại tướng nhấn mạnh: "Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nếu không hành động sớm sẽ bị nước khác đánh chiếm". Cùng thời điểm này, Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái cũng nhận được một mệnh lệnh của Đại tướng yêu cầu tổ chức lực lượng, thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, tranh thủ giải phóng Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng nào khác đánh chiếm trước.
Khi mệnh lệnh được thi hành, các lực lượng của Quân khu V và Hải quân được tổ chức do đồng chí Mai Năng là Chỉ huy trưởng. Đoàn 126 đặc công là đơn vị có bề dày thành tích với nhiều trận thắng lẫy lừng đánh chìm nhiều tàu địch ở Cửa Việt (Quảng Trị) tham gia. Các tàu hải quân của ta gồm HQ 673, HQ 674 và HQ 675 được ngụy trang làm tàu đánh cá xuất phát, dùng đặc công bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ đánh chiếm các mục tiêu. Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 14-4, quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây đầu tiên, lá cờ Tổ quốc được Thượng sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ của đảo. Sau Song Tử Tây, các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang... lần lượt được giải phóng. Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký điện: "Nhiệt liệt biểu dương các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở việc mở đường ra biển làm kinh tế biển đảo, đặc biệt kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Là người đã có quyết định giải phóng các đảo ở Biển Đông trước cả ngày giải phóng Sài Gòn, Đại tướng luôn đau đáu với việc làm kinh tế biển đảo, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia. Đại tướng đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm thành lập đơn vị hành chính hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 9-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ký Quyết định số 193/HĐBT thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Huyện đảo Trường Sa lúc đầu thuộc tỉnh Đồng Nai (cũ), ngày 28-12-1982, Quốc hội khóa VII ra Nghị quyết sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa). Huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, từ ngày 6-11-1996, tại kỳ họp X, Quốc hội khóa IX tách về TP Đà Nẵng.
Với cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, ngày 2-8-1977, tại Hội nghị về biển lần thứ I tại Nha Trang (Khánh Hòa), Đại tướng đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế biển. Đại tướng đã nêu rõ phương hướng xây dựng và phát triển kinh tế biển đảo, chỉ ra mục tiêu nghiên cứu của các ngành khoa học-kỹ thuật về biển có thể làm và cần làm ở nước ta. Trong tầm nhìn sâu rộng của Đại tướng, phát triển kinh tế biển không chỉ bằng ngành ngư nghiệp đánh bắt cá, mà còn phải nuôi trồng thủy hải sản, trồng trọt thực vật biển với những loài có giá trị kinh tế cao, làm nông nghiệp dưới nước và nông nghiệp ven biển có giá trị hàng hóa cao; phải tích cực trồng rừng ven biển, phủ kín các đồi núi trọc và bãi cát ven biển để chắn gió, chắn cát, nếu không, các vị trí bàn đạp ven biển để tiến ra ngoài biển đảo sẽ khó khăn.
Ngay từ lúc đó, Đại tướng đã đặt câu hỏi cho các nhà quản lý, nhà khoa học: "Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch thủy triều của nước ta chứa đựng một tiềm lực quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước...", Đại tướng yêu cầu ngành sinh học biển phải đi sâu, thúc đẩy phương hướng phát triển kinh tế biển, phải nghiên cứu từng vùng biển có những đặc điểm riêng như nhiệt độ, độ mặn, ánh sáng chiếu xuống như thế nào, rồi áp suất sóng, thủy động lực, dòng chảy, trên cơ sở đó, kết luận xem vùng nào nuôi được loại cá nào là thích hợp nhất...
Để phát triển nhiều ngành kinh tế biển, trong bài phát biểu ngày 2-8-1977, Đại tướng đã sớm nghĩ đến cơ cấu một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân bên cạnh kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Đại tướng cũng đã đề xuất cơ cấu: Nhà nước lập kế hoạch phát triển từng vùng (không để các tỉnh, thành phố tự phát làm kế hoạch địa phương, dẫn đến tình trạng bố trí kế hoạch đầu tư chồng chéo, tùy tiện). Nhà khoa học giúp đỡ địa phương ứng dụng khoa học-kỹ thuật để thực hành sản xuất, kinh doanh hợp lý.
Bên cạnh đó, hết sức coi trọng việc đào tạo và sử dụng cán bộ khoa học-kỹ thuật nói chung và khoa học-kỹ thuật về biển nói riêng. Theo Đại tướng, kinh tế biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển đảo, vừa cải thiện đời sống của dân, vừa có lực lượng thực hiện quốc phòng toàn dân trên biển, bảo đảm giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển đảo của Tổ quốc. Bài phát biểu của Đại tướng ở Hội nghị về biển lần thứ 1 thực sự trí tuệ và tâm huyết, là kế sách của một nhà chiến lược lớn.
Sau này, ở Hội nghị về biển lần thứ 2 (năm 1981) và lần thứ 3 (năm 1985), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra hướng đi sâu, xác định các phương hướng trọng điểm của một chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, trong đó Đại tướng đi sâu vào việc sớm tổ chức việc đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản một cách hợp lý và khoa học; cần đi ngay vào hiện đại hóa lĩnh vực dầu khí với sự hợp tác quốc tế trong thăm dò, khai thác, chế biến, phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu ở nước ta.
Đồng thời, sớm quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải biển và công nghiệp đóng tàu, xây dựng một đội tàu mạnh gồm: Tàu viễn dương, tàu pha sông-biển nhằm nâng cao năng lực vận tải Bắc - Nam và vận tải quốc tế. Đại tướng lưu ý, với vị trí thuận lợi trên đường hàng hải quốc tế của nước ta, cần sớm phát triển dịch vụ tàu biển để lấy ngoại tệ. Đại tướng cũng chỉ rõ, cần sớm nghiên cứu, thăm dò và lập quy hoạch khai thác các khoáng sản và hóa phẩm từ biển và các đảo; tích cực phát triển ngành du lịch ven biển vì nước ta có nhiều danh lam thắng cảnh ven biển đẹp, đáp ứng được du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh ở các vùng ven biển, đảo.
Đại tướng khẳng định, muốn khai thác biển đảo một cách có hiệu quả, trước hết cần quan tâm coi trọng, phát triển con người; coi trọng năng suất, chất lượng và hiệu quả; xây dựng pháp lệnh quy định rõ nguyên tắc và chế độ khai thác biển; đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển.
Nguồn: Sưu tầm tổng hợp - Khanh Hoang Ngo

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN, DÂN TỘC – BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, CỤC BỘ; NGUY CƠ GÂY MẤT ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, HIỂM HỌA ĐỐI VỚI NỀN AN NINH QUỐC GIA.

LÊ MINH ĐẢO - XUÂN LỘC VÀ SỰ THẬT

Những sự thật về Bắc Triều Tiên và chế độ “độc tài” của gia đình họ Kim.

VÀI NÉT VỀ VIÊN TƯỚNG NGỤY 3 SAO NGUYỄN HỮU CÓ

Đừng mộng đòi đi nước ngoài định cư nữa, Việt kiều Mỹ đang muốn về Việt Nam vì 4 lý do

ĐẠI TÁ TÌNH BÁO CÓ MỘT KHÔNG HAI

SĨ QUAN CAO CẤP NHẤT CỦA SÀI GÒN BỊ BẮT SỐNG TẠI MẶT TRẬN

"Sự lừa dối hào nhoáng: John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam"

NGÔ QUANG TRƯỞNG VÀ NHỮNG TRÒ LỐ

Diễm xưa