“Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn, xin vĩnh biệt các đồng chí”

Đó là một trong hàng trăm bức điện đàm nói lên sự ác liệt của cuộc chiến vệ quốc năm 1979. Thế nhưng, nó cũng khẳng định quyết tâm bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng lúc bấy giờ.
Bức điện bi tráng từ tuyến lửa
Chiều 13/2, PV Báo Giao thông có mặt tại nhà riêng Thượng tá Lê Xuân Tường (SN 1958, nguyên Trưởng ban Cơ yếu, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An. Dù đã 40 năm trôi qua, nhưng người lính cơ yếu năm xưa vẫn nhớ như in những ký ức về cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979.
Lật giở từng trang cuốn sách Lịch sử Cơ yếu Bộ đội Biên phòng (1959 - 1989) đã úa màu, Thượng tá Tường kể: “Tháng 1/1979, tôi cùng 4 học viên xuất sắc ở Trường Tham mưu Công an nhân dân vũ trang (Thái Nguyên) được tăng cường về giúp việc cho Phòng Cơ yếu, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (thuộc Bộ Nội vụ, sau này đổi tên thành Bộ Công an), nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thuộc Bộ Quốc phòng”.


Liệt sĩ Đoàn Tiến Phúc, cơ yếu đồn Pò Hèn, Quảng Ninh đã lấy thân mình che chở an toàn tài liệu mật mã.

Dù thời gian giúp việc cho Bộ Tư lệnh chỉ vỏn vẹn một tháng rưỡi, nhưng những bức điện mà ông cùng đồng đội dịch trong những ngày đầu chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 là những ký ức không thể nào quên.
Thượng tá Tường nhớ lại, ngay từ đầu chúng ta đã nhận rõ bộ mặt của Trung Quốc nên đã có những chỉ đạo sát sao trong công tác chuẩn bị và sẵn sàng khi có đụng độ. Riêng với Công an nhân dân vũ trang, thông qua điện đàm, công tác nắm bắt tình hình, chỉ đạo và đôn đốc được thực hiện liên tục, thường xuyên. Từ rất sớm, các đơn vị nhận được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ngày 27/12/1978, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ra mệnh lệnh báo động chiến đấu cấp 2; ngày 13/2/1979, Bộ Tư lệnh ra mệnh lệnh báo động chiến đấu cấp 1 cho tất cả các đơn vị Công an vũ trang trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.
Kể đến đây, giọng Thượng tá Tường nghẹn lại, đôi môi lập bập, nước mắt chực trào ra. Ông nghẹn ngào, trong 2 ngày (17 - 18/2/1979) lượt điện báo vượt cấp từ các đồn biên giới Việt - Trung về Bộ Tư lệnh nhiều và liên tục. Tình hình chiến sự trên tuyến biên giới phía Bắc căng thẳng tột độ.
“Trưa 19/2/1979, Trưởng phòng Cơ yếu Bộ Tư lệnh cho biết có điện báo động. Cả kíp trực mã dịch, gồm 5 cán bộ, học viên giúp việc bỏ dở bát cơm rồi chạy về phòng máy. Người dịch, người bật luật, người chép, người sửa sai... Chỉ trong tích tắc, bức điện báo vượt cấp từ Đồn Pha Long, tỉnh Hoàng Liên Sơn gửi về được dịch ra vỏn vẹn 21 chữ: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí - Ngọc”. Sau khi trưởng ban mã dịch hoàn thiện bức điện, cả 5 anh em đều toát mồ hôi, mắt ai cũng đỏ hoe vì khóc”, Thượng tá Tường kể. Ngay lập tức, bức điện được kiểm tra lại một lần nữa trước khi trưởng ban báo cáo lãnh đạo phòng và tham mưu trưởng.
Cũng theo Thượng tá Tường, sau đó bức điện được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Sau khi họp bàn, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quân đội địa phương, Quân khu 1 và Quân khu 2… lập tức hỗ trợ các đồn Công an nhân dân vũ trang; điều động Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 tức tốc tiến quân ra phía Bắc.
Lấy thân mình che chở tài liệu mật mã
Nhấp chén trà đầu xuân, Thượng tá Lê Xuân Tường kể tiếp bằng giọng khảng khái, trong cuộc chiến tranh vệ quốc trên biên giới phía Bắc… ngoài nhiệm vụ chính là kỹ thuật cơ yếu và hiệp thông với thông tin giữ vững liên lạc, các cán bộ, chiến sĩ cơ yếu Công an nhân dân vũ trang (sau này là cơ yếu Biên phòng) cũng trực tiếp tham gia chiến đấu, đánh giặc. Nhiều tấm gương chiến sĩ cơ yếu đã hi sinh anh dũng như trường hợp liệt sĩ Đoàn Tiến Phúc, Cơ yếu đồn Biên phòng Pò Hèn (tỉnh Quảng Ninh) đã lấy thân mình che chở an toàn tài liệu mật mã.
Ấy là vào những ngày đầu năm 1979, Đồn Biên phòng Pò Hèn (tỉnh Quảng Ninh) là một mục tiêu trọng điểm mà quân Trung Quốc tấn công. Từ đêm 16/2/1979, địch đã bắn liên tiếp gần 300 quả đạn pháo vào khu vực đồn. Đến 5h sáng 17/2, chúng cho 1 trung đoàn bộ binh bao vây, tấn công vào trận địa phòng thủ của đồn. Lực lượng của ta đã chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Trong lúc chiến sự diễn ra ác liệt, nhân viên cơ yếu đồn Pò Hèn là Đoàn Tiến Phúc đã linh hoạt tìm mọi cách bảo vệ bằng được tài liệu mật mã để giữ vững liên lạc, vừa tham gia chiến đấu cùng đơn vị. Tình thế chiến đấu quyết liệt, lực lượng địch hết lớp này đến lớp khác ồ ạt xông lên gây cho quân ta thương vong nhiều. Phương tiện vô tuyến điện của thông tin không còn liên lạc được.
Ngay lúc đó, Phúc đã nhanh chóng thực hiện phương án bảo vệ tài liệu “trong tình huống bất trắc”, chỉ để lại số tài liệu cần thiết bỏ vào xắc cốt, số còn lại tiêu hủy hết. Sau đó, Phúc khẩn trương khoác túi tài liệu mật mã vào người, rồi cơ động chiến đấu cùng anh em còn lại của đồn. Lúc địch ập vào trận địa, Phúc đã cùng tổ đại liên chiến đấu dũng cảm. Khi bị thương nặng, anh vẫn cố sức ôm túi tài liệu bò vào một chỗ khuất nằm đè lên. Quân Trung Quốc xâm lược tràn sang cướp phá, lục soát nhưng riêng túi tài liệu mật mã vẫn an toàn, không rơi vào tay địch. Đến ngày 18/2/1979, khi lực lượng ta phản công lấy lại đồn, các đồng đội đã tìm thấy Phúc anh dũng hi sinh trong tư thế lấy thân mình để che chở, bảo vệ an toàn tài liệu mật mã… Liệt sĩ Đoàn Tiến Phúc được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công.

Nguồn: Sỹ Hòa - baogiaothong.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN, DÂN TỘC – BIỂU HIỆN CỦA CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, CỤC BỘ; NGUY CƠ GÂY MẤT ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, HIỂM HỌA ĐỐI VỚI NỀN AN NINH QUỐC GIA.

LÊ MINH ĐẢO - XUÂN LỘC VÀ SỰ THẬT

Những sự thật về Bắc Triều Tiên và chế độ “độc tài” của gia đình họ Kim.

VÀI NÉT VỀ VIÊN TƯỚNG NGỤY 3 SAO NGUYỄN HỮU CÓ

Đừng mộng đòi đi nước ngoài định cư nữa, Việt kiều Mỹ đang muốn về Việt Nam vì 4 lý do

ĐẠI TÁ TÌNH BÁO CÓ MỘT KHÔNG HAI

SĨ QUAN CAO CẤP NHẤT CỦA SÀI GÒN BỊ BẮT SỐNG TẠI MẶT TRẬN

"Sự lừa dối hào nhoáng: John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam"

NGÔ QUANG TRƯỞNG VÀ NHỮNG TRÒ LỐ

Diễm xưa